Hướng dẫn ăn dặm
Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến nghị thời gian tốt nhất để các bé ăn dặm là khi bé tròn 6 tháng và nếu cần cho ăn dặm sớm thì không trước 4 tháng, không muộn quá 7 tháng. Tất cả các bé đều có thể trạng và tốc độ phát triển khác nhau. Một số bé phát triển nhanh hơn các bé khác, một số bé bú mẹ hoàn toàn nhưng vẫn suy dinh dưỡng hoặc không đủ cân….. sẽ cần ăn dặm sớm hơn. Trường hợp này các mẹ hãy cho bé bắt đầu khi bé tròn 4 tháng. Nghiên cứu cũng chỉ ra, các bé ăn dặm sau 7 tháng sẽ có nhiều nguy cơ biếng ăn và sẽ không nhận được các thức ăn thêm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Cho trẻ ăn dặm trễ làm trẻ không nhận được đủ các chất dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng và thiếu vi chất như thiếu máu do thiếu sắt. Mẹ hãy lấy con mình làm mốc chuẩn để quyết định khi nào cho bé bắt đầu nhé.
- Muối: Muối và thực phẩm chứa muối sẽ khiến bé bị đầy hơi, mất nước do thận của trẻ lúc này chưa phát triển hoàn thiện.
- Đường: Những thực phẩm quá ngọt hoặc chứa nhiều đường dễ khiễn trẻ bị sâu răng, nó cũng tạo cho bé sở thích và thói quen ăn đồ ngọt ngay từ nhỏ, dẫn đến nguy cơ béo phì sau này.
- Mật ong: Mật ong có thể gây nhiễm độc botulism cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, ảnh hưởng hệ thần kinh và thậm chí dẫn đến tử vong.
- Dâu tây: Dâu tây không chỉ chứa lượng axit lớn, ảnh hưởng xấu đến ruột và dạ dày của trẻ mà còn có thể gây kích ứng như nổi sảy.
- Trái cây họ cam, chanh: những loại trái cây như cam, quýt, chanh, bưởi… có chứa nhiều axit, sẽ gây rối loạn tiêu hóa cho bé hoặc làm bé xót ruột, khó chịu.
- Các loại hạt nguyên hạt: có thể gây hóc, nghẹn hoặc dị ứng.
- Phô mai mềm: như Brie, gorgonzola và phô mai xanh có thể khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn listeria rất cao. Có thể thay bằng phô mai kem cream cheese cho bé từ 6 tháng tuổi trở lên.
- Sữa bò: Trong sữa bò có chứa rất nhiều protein mà hệ thống tiêu hóa non nớt của bé chưa thể chuyển hóa khiến thận và dạ dày của trẻ bị quá tải. Nhưng nếu sử dụng một lượng nhỏ trong nấu nướng để tăng hương vị thì được. Trong quá trình đun nấu, protein trong sữa sẽ bị phá vỡ, giúp bé dễ dàng tiêu hóa.
- Pate và các loại thịt hun khói dễ gây nhiễm khuẩn listeria hoặc ngộ độc thực phẩm cho bé.
- Gia đình bé bố mẹ ông bà anh chị nếu có người bị dị ứng, bé sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm. Chàm sữa là một biểu hiện của dị ứng, nếu bé có bị chàm, mẹ cần cẩn thận với tất cả đồ ăn của bé, chỉ nên cho thử với số lượng rất ít và tăng dần.
- 8 nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: sữa, trứng, cá, hải sản có vỏ, các loại hạt, đậu nành, lúa mì, đậu phộng. Những bé có tiền sử dị ứng cần đặc biệt chú ý khi có những thứ này.
- Triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm gồm : 1. Da ửng đỏ, phát ban, hay gặp ở quanh mũi, miệng, mắt. 2. Môi mắt và khuôn mặt bị sưng. 3. Ngứa miệng, lưỡi, họng, họng có thể bị sưng. 4. Bị chảy mũi hoặc ngạt mũi, khó thở kèm với chảy nước mắt. 5. Ói mửa, tiêu chảy.
- Để đảm bảo an toàn và giúp xác định được những thực phẩm gây dị ứng cho bé, mẹ nên cho con làm quen từng loại thực phẩm một và thử từ từ, từng loại một thời điểm. Khi giới thiệu cho con những loại thức ăn có nguy cơ gây dị ứng, mẹ hãy cho bé ăn 1-2 ngày 1 món đó, nếu không có phản ứng gì mới chuyển món khác.
Mỗi em bé có tốc độ phát triển khác nhau, có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì thế không có chuẩn nào là đúng cho tất cả mọi bé. Khi bắt đầu ăn bổ sung, hệ tiêu hóa của bé cần có thời gian thích nghi với thức ăn lạ khác sữa mẹ. Vì thế nên cho trẻ thử 2-3 thìa nhỏ x 2 lần/ngày trong vòng 3-5 ngày.
Trẻ 6 tháng : sữa mẹ đóng vai trò dinh dưỡng chính, tập cho bé ăn dặm từ lỏng đến đặc, bắt đầu từ các vị nguyên bản, 1 nguyên liệu, dần dần tới 2-3 nguyên liệu hỗn hợp. Lượng ăn khoảng 20-50ml
Từ 7-9 tháng: 2-3 bữa ăn mỗi ngày và quả nghiền. Lượng ăn khoảng 100-180ml
Từ 9-12 tháng: 3- 4 bữa mỗi ngày và quả nghiền. Lượng ăn khoảng 150-250ml