Chiếc răng đầu tiên của bé nhú lên là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới của con! Đây cũng là lúc mẹ học thêm một “kỹ năng” mới –
vệ sinh răng cho bé.
Nhưng tại sao việc vệ sinh răng miệng cho bé lại quan trọng và làm sao để thực hiện sao cho bé thoải mái nhất? Góc của mẹ sẽ hướng dẫn các mẹ cách vệ sinh răng cho bé 1 tuổi một cách khoa học và hiệu quả ngay dưới đây
Nội Dung
Toggle1. Tác hại của việc không vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi
Ở độ tuổi này, bé bắt đầu mọc răng sữa, mà răng sữa lại có men răng mỏng và buồng tủy lớn, rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương sâu đến tủy răng. Nếu mẹ không vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi thường xuyên, bé sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh răng miệng như:
- Sâu răng: Khi tủy răng bị tổn thương, bé sẽ thường xuyên cảm thấy đau nhức, gây khó khăn trong việc ăn uống, dẫn đến còi xương và chậm phát triển.
- Mất răng: Nếu răng bị sâu quá nặng, việc nhổ răng là không thể tránh khỏi để bé không còn cảm giác đau nhức. Tuy nhiên, nhổ răng sữa quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn, làm bé gặp khó khăn trong ăn uống hàng ngày. Việc thiếu răng từ sớm còn có thể dẫn đến bé chậm nói và phát âm không rõ ràng so với các bạn cùng lứa tuổi.
2. Lợi ích khi vệ sinh răng cho bé thường xuyên
Bé cần được vệ sinh miệng kể cả trước khi mọc răng. Khi bé bắt đầu mọc từ 2–4 chiếc răng cửa và chuyển sang giai đoạn ăn dặm, mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng cho bé ít nhất 2 lần mỗi ngày, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Việc này mang lại nhiều lợi ích như:
- Khi bé chưa mọc răng: Vệ sinh răng miệng cho bé giúp làm sạch nướu và giữ khoang miệng luôn sạch sẽ, đồng thời kích thích mọc răng sữa khỏe mạnh và chắc chắn hơn sau này.
- Khi bé đã mọc răng: Thường xuyên làm sạch răng giúp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn có hại tích tụ trên răng và lợi từ thức ăn như cháo, bột, hay sữa. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ còn giúp hình thành thói quen tốt, giúp bé có hàm răng khỏe mạnh và đẹp hơn.
3. Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi chưa mọc răng
Dụng cụ:
Để vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi chưa mọc răng, mẹ cần chuẩn bị:
- 1 – 2 miếng gạc.
- Nước muối sinh lý hoặc nước ấm.
- Khăn vải khô đa năng.
Hướng dẫn vệ sinh:
- Bước 1: Mẹ dùng một miếng gạc hoặc khăn vải đa năng nhúng vào nước ấm sạch hoặc nước muối sinh lý, sau đó nhẹ nhàng lau nướu của bé. Thực hiện bước này 1 lần/ngày để đảm bảo vệ sinh miệng cho bé.
- Bước 2: Sau khi lau bằng nước muối sinh lý, mẹ lau lại nướu cho bé bằng nước sạch từ 2-3 lần. Bước này giúp hạn chế việc bé nuốt phải nước muối, tránh gây khó chịu và khiến bé không hợp tác vào lần sau.
- Bước 3: Cuối cùng, mẹ dùng khăn vải khô đa năng để lau mặt và quanh miệng cho bé, đảm bảo bé luôn sạch sẽ và thoải mái.
4. Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi bắt đầu mọc răng
Khi bé bắt đầu mọc răng, nhiều mẹ thường băn khoăn không biết bé 1 tuổi có thể đánh răng được chưa và nên chọn loại bàn chải nào tốt nhất cho nướu của bé. Thực tế, bé có thể dùng bàn chải đánh răng, nhưng cần sử dụng loại chuyên biệt dành cho trẻ nhỏ, không dùng bàn chải nhỏ như các bé lớn.
Dụng cụ:
- Bàn chải đánh răng mềm (loại gắn vào đầu ngón tay).
- Nước muối sinh lý hoặc nước ấm.
- 1 khăn vải đa năng.
- 1 bát nhỏ để đựng nước.
Hướng dẫn vệ sinh:
- Bước 1: Gắn bàn chải mềm vào đầu ngón tay của mẹ và đổ nước muối sinh lý ra bát nhỏ.
- Bước 2: Nhúng bàn chải vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý, sau đó chải nhẹ nhàng các mặt của răng và toàn bộ nướu. Đặt lông bàn chải hướng về phía đường viền nướu, chếch khoảng 45 độ so với răng. Xoay bàn chải và chải lần lượt 2–3 răng một lúc. Chà đều ba mặt của răng, bao gồm mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai, và cũng nhớ chà lưỡi cho bé.
- Bước 3: Vệ sinh lại miệng cho bé bằng khăn vải đa năng thấm nước muối. Cuối cùng, dùng khăn mềm lau mặt và xung quanh miệng bé.
5. Cách vệ sinh lưỡi cho bé 1 tuổi
Sau khi vệ sinh răng, mẹ nên vệ sinh lưỡi cho bé 2 lần/ngày. Mẹ có thể sử dụng gạc rơ lưỡi hoặc bàn chải mềm được thiết kế riêng cho bé. Các bước thực hiện như sau:
- Chuẩn bị: Một bát nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
- Bước 1: Lấy miếng gạc rơ lưỡi quấn quanh ngón tay trỏ, nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý để làm ướt gạc.
- Bước 2: Một tay giữ gạc vệ sinh, tay còn lại ôm bé hoặc giữ cố định phần đầu của bé.
- Bước 3: Xoay ngón tay đeo gạc nhẹ nhàng vệ sinh bên trong má và chà nhẹ nhàng mặt lưỡi của bé.
6. Lưu ý quan trọng trong việc vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi
- 6.1. Vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày: Tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho bé ít nhất 2 lần/ngày, sau khi ăn và trước khi ngủ. Thói quen này giúp bé ghi nhớ và dần có ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng.
- 6.2. Cho bé uống nước sau khi bú hoặc ăn: Việc này giúp làm sạch một phần cặn sữa hoặc thức ăn trong miệng, giảm khả năng vi khuẩn phát triển.
- 6.3. Chọn bình sữa và núm ti chất lượng: Sử dụng núm ti silicone cao cấp, bền và không có mùi khó chịu để đảm bảo an toàn cho răng miệng của bé.
- 6.4. Khám sức khỏe răng miệng 2 lần/năm: Đưa bé đến nha sĩ định kỳ để kiểm tra và kịp thời phát hiện các vấn đề về răng miệng.
- 6.5. Chú ý thời hạn sử dụng của bàn chải đánh răng: Thay bàn chải cho bé mỗi 3 tháng hoặc khi lông bàn chải bắt đầu xơ cứng.
- 6.6. Dùng bát, thìa ăn riêng và không mớm cơm: Tránh lây nhiễm vi khuẩn sâu răng từ mẹ sang bé bằng cách sử dụng bát, thìa riêng và không mớm cơm cho bé.
- 6.7. Hạn chế đường trong chế độ ăn: Giảm lượng đường trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa sâu răng và giúp răng sữa phát triển khỏe mạnh.